Những bài văn mẫu sẽ giúp các em học sinh tham khảo cách viết văn, phân tích để làm bài văn một cách trau chuốt và hay hơn. Sau đây là tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 sách cánh diều hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
1. Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 sách Cánh Diều hay nhất:
Trong bộ sách cánh diều lớp 11, có rất nhiều tác phẩm hay và đặc sắc như Chữ người tử tù, Chí phèo, Trao duyên, Tôi yêu em,… Muốn phân tích tốt những tác phẩm này và các kiến thức liên quan, bạn đọc cần tìm hiểu sâu và chi tiết cũng như tham khảo một số bài văn mẫu để biết cách triển khai bài, phân tích đúng trọng tâm. Sau đây là một số bài phân tích các tác phẩm đặc sắc trong bộ sách cánh diều lớp 11.
- Phân tích đoạn Huấn Cao cho viên quản ngục chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù
- Viết đoạn văn nói về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
- Suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo Nguyễn Du qua Đọc Tiểu Thanh kí
- Giới thiệu một câu đối Tết mà em sưu tầm
- Vì sao phải coi luật pháp như khí trời để thở
2. Phân tích đoạn Huấn Cao cho viên quản ngục chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù:
Chi tiết Huấn Cao cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là phần hay nhất trong truyện ngắn này. Bằng bút pháp điêu luyện, sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, chi tiết nào cũng gợi cảm xúc và gây gây ấn tượng mạnh.
Huấn Cao trong truyện là một nhà nho tài hoa. Truyện có hai nhân vật chính, một là ông Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, một là viên quản ngục say mê chữ đẹp của ông Huấn, quyết tìm mọi cách để xin chữ treo trong nhà. Họ đã gặp nhau trong ngục tù. Về nghệ thuật họ là tri âm tri kỉ, trên cái nhìn xã hội họ ở hai vị trí đối lập. Từ tình huống đầy kịch tính này, tính cách hai nhân vật được bộc lộ và tư tưởng chủ đề của truyện được thể hiện.
Huấn Cao từng nói: Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Viên quản ngục có lần hắn đã bị nghi ngờ, bị đuổi. Về sau hiểu được tấm lòng của viên quản ngục, ông đã nói: thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ. Huấn Cao chỉ trọng những tấm lòng biết quý cái đẹp, cái tài, có sở thích cao quý. Những con người ấy còn giữ được thiên lương. Ông khuyên viên quản ngục bỏ cái nghề nhơ bẩn của mình đi bởi ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi. Vẻ đẹp của Huấn Cao hiện lên trong đêm viết chữ cho viên quản ngục. Dưới ánh đuốc đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiến lụa óng. Viên quản ngục lại trở nên nhỏ bé, bị động, khúm núm trước người tử tù. Với cảnh cho chữ này, trong nơi ngục tù chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ của quản ngục, đây là cái đẹp của thiên lương. Sáng hôm sau ông Huấn Cao sẽ bị tử hình nhưng những nét chữ vuông vắn hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ còn đó. Quan niệm của Nguyễn Tuân là cái đẹp gắn liền với cái thiện. Người mê cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương, cái đẹp của Nguyễn Tuân còn gắn với cái dũng. Hiện thân của cái đẹp là hình tượng Huấn Cao với khí phách lừng lẫy đã sáng rực cả trong đêm cho chữ trong nhà tù.
Phần ông Huấn Cao cho chữ là đoạn văn hay nhất trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Nghệ thuật bút pháp điêu luyện khi dựng người, dựng cảnh đều gây ấn tượng. Đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng, đối với sự phàm tục nhơ bẩn. Hòa hợp giữa mỹ và dũng trong hình tượng ông Huấn Cao là đỉnh cao nhân cách theo lí tưởng thẩm mĩ của tác giả Nguyễn Tuân.
3. Viết đoạn văn nói về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học:
Con người có tâm hồn được tạo nên từ vô vàn những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau. Hiểu được điều này, tác giả Nam Cao với tác phẩm “Chí Phèo” đã giúp người đọc hiểu được sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người. Chí Phèo và Thị Nở đều là những con người khốn khổ dưới đáy xã hội, họ là nạn nhân của xã hội phong kiến, phải chịu những định kiến khắc nghiệt. Tình yêu của Thị Nở và Chí Phèo diễn ra tự nhiên, họ nhìn thấy ở nhau những giá trị tốt đẹp mà định kiến của người dân làng Vũ Đại không thể trông thấy. Tình yêu đã làm cho Chí nhận ra giá trị của cuộc sống, nhận ra sự quan tâm của Thị Nở và muốn làm một người tử tế. Tình yêu đã khiến Thị Nở biết xấu hổ, biết quan tâm đến Chí. Từ hai cuộc đời, hai thân phận khiếm khuyết, Nam Cao đã để cho họ kết hợp lại như một sự liên kết hoàn hảo để tạo ra một con người mới thống nhất, sức mạnh của tình yêu thật kì diệu. Có người đã từng nói rằng “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà nơi lạnh nhất là nơi thiếu tình thương”. Thực sự đây là một câu nói rất ý nghĩa. Tình thương như có thể giúp cho con người chúng ta xua đi mọi những u tối trong cuộc đời. Thay vào đó cũng chính là những tia sáng ấm áp của tình thương. Thật tuyệt vì trên thế giới con người luôn xuất hiện tình yêu thương. Mỗi ngày trong mỗi chúng ta hãy nuôi dưỡng trong trái tim mình những sự yêu thương để tô vẽ cho cuộc sống của chính mình. Cuộc sống sẽ thật đẹp biết bao nhiêu khi có tình thương.
4. Suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo Nguyễn Du qua Đọc Tiểu Thanh kí:
Đọc Tiểu Thanh kí thể hiện một sự phát triển vượt bậc trong mạch cảm xúc của tác giả sau khi đọc truyện về Tiểu Thanh. Tác giả Nguyễn Du cảm thấy đau xót và thương cảm cho số phận của Tiểu Thanh, một tài năng thi ca đoản mệnh. Ông cũng cảm thấy tiếc nuối cho những người tài hoa và tài tử khác trong xã hội. Tác giả đã dùng lời thơ để thể hiện sự thương tiếc, xót xa với số phận bi thảm của Tiểu Thanh và cả sự đau đớn của chính mình. Bài thơ đặt ra vấn đề quan trọng về quyền sống của người nghệ sĩ và nhấn mạnh rằng những người này cần được tôn trọng và đánh giá cao vì những giá trị tinh thần to lớn mà họ đã đóng góp cho xã hội. Nguyễn Du luôn quan tâm và chia sẻ đến những người bất hạnh, đặc biệt là những người tài hoa như Tiểu Thanh, Thúy Kiều. Những giá trị nhân đạo sâu sắc về sự sống, tôn trọng, cảm thông và yêu thương được thể hiện rõ nét trong tác phẩm của Nguyễn Du.
5. Giới thiệu một câu đối Tết mà em sưu tầm:
Những câu đối Tết là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta từ trước đến nay. Một trong những câu đối được nhiều người Việt Nam biết đến phải kể đến “Cung chúc tân xuân – Vạn sự như ý”. Có thể hiểu cung chúc tân xuân là cách nói khác của chúc mừng năm mới mà mọi người thường nói trong dịp tết. Câu đối Cung chúc tân xuân thường được viết trong bản thư pháp và treo trong nhà với ý nghĩa mừng một năm mới nhiều may mắn, bình an, mạnh khỏe. Vạn sự như ý có nghĩa là chúc gia đình năm mới không phiền muộn, mọi sự như ước muốn, cầu được ước thấy.
6. Vì sao phải coi luật pháp như khí trời để thở:
Muốn xã hội tồn tại và phát triển ổn định, bền vững thì bắt buộc phải có pháp luật điều chỉnh. Pháp luật chính là các quy tắc ứng xử mang tính quy phạm, bắt buộc ở một quốc gia, cộng đồng. Nhà nước sẽ xây dựng pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống như văn hoá, xã hội, thông tin… và quy định mọi người phải thực hiện. Không phân biệt giai cấp, giới tính, dân tộc, mọi người đều bình đẳng như nhau trong việc thực hiện pháp luật. Không có chuyện cá nhân hay tổ chức nào từ chối việc làm việc theo pháp luật. Bất cứ hành vi nào vi phạm theo pháp luật, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội sẽ bị cưỡng chế thậm chí bị phạt nặng. Chính vì có tính nghiêm minh, răn đe nên mọi người đều phải sống theo pháp luật. Cũng nhờ có pháp luật nên mọi người yên tâm làm việc, cống hiến cho xã hội. Những tệ nạn, những hành vi gây ảnh hưởng đến người khác sẽ giảm hẳn. Xã hội sẽ phát triển bền vững, ổn định hơn. Trong xu thế hội nhập như hiện nay thì pháp luật càng cần thiết với các quốc gia nhiều hơn nữa. Nó giúp quốc gia đó khẳng định vị trí của mình trên thương trường quốc tế, giúp điều hành bộ máy quốc gia. Quan trọng hơn cả nó giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mỗi người dân.

